[su_quote]Khi hợp chất này đủ nóng để phát ra màu xanh dương, khoảng hơn 1000 độ F (537 độ C), thì nó bắt đầu phân hủy, và màu xanh dương sẽ không thể tiếp tục duy trì.[/su_quote]
Pháo hoa không có màu xanh dương, đây chắc hẳn là một việc bạn sẽ không thực sự quan tâm khi đang cùng bạn bè hoặc người thân ngắm màn trình diễn pháo hoa vô cùng đẹp mắt, và tận hưởng những phút giây tuyệt vời này.
Nhưng bằng một cách vô tình, bạn đã biết đến một sự thật vô cùng thú vị này, và bạn đã bắt tay tìm hiểu rõ hơn lý do vì sao pháo hoa không có màu xanh dương. Vậy thì hãy cùng Be The Betters khám phá sâu hơn để tìm ra lời giải đáp cho hiện tượng khoa học kỳ thú này nhé!
Để hiểu rõ toàn diện về câu hỏi “Vì sao?” đã nêu ra, chúng ta hãy cùng đi từng bước để biết được pháo hoa đã hình thành thế nào, nguyên tắc hoạt động ra sao, và lý do vì sao pháo hoa không có màu xanh dương. Bạn đừng lo, với văn phong diễn đạt đơn giản, Be The Betters tin rằng bạn sẽ nắm được kiến thức vô cùng dễ dàng. Cùng bắt đầu nhé!
1. Pháo hoa có mặt từ lúc nào?
Ý tưởng hình thành ban đầu của pháo hoa xuất phát vào thời nhà Hán (khoảng năm 200 trước công nguyên), người Hán thời đó đã ném những thân tre vào trong đống lửa để tạo ra tiếng nổ với âm thanh lớn.
Một thời gian lâu dài về sau, khi thuốc súng được ra đời, người ta đã thử gói thuốc súng vào trong những túi nhỏ và kích nổ để tạo ra tiếng nổ giống như khi đốt cháy thân tre. Từ đây, một sáng kiến đã ra đời, thuốc súng được cuốn lại bên trong một mảnh giấy cùng với một sợi kíp nổ, và đây là hình thái ban đầu của pháo hoa – bánh pháo.
Thiết kế hoàn chỉnh này được phát minh vào thời đại nhà Tống (960 – 1279), và trở thành cơ sở nền tảng để sản xuất pháo hoa trong suốt hơn 1000 năm qua.
2. Các thành phần cấu tạo của pháo hoa
Dựa trên nền tảng đã được hình thành, pháo hoa ngày nay được tạo nên từ 5 loại thành phần chính:
- Nhiên liệu nổ: thường là thuốc súng
- Hợp chất tạo màu: mỗi hỗn hợp khác nhau sẽ tạo nên những màu sắc khác nhau của pháo hoa
- Sợi kíp nổ: là thứ sẽ kích nổ thuốc súng và tạo ra nhiệt độ cùng lực đẩy cho pháo hoa
- Keo: để kết dính các thành phần lại với nhau
- Vỏ pháo: lớp vỏ bọc bên ngoài để chứa các thành phần khác ở bên trong
3. Nguyên lý hoạt động của pháo hoa
Từ những thành phần trên, ta có thể thấy được, pháo hoa sẽ hoạt động theo quá trình sau:
- Đầu tiên, kíp nổ của pháo sẽ được đốt lên
- Sau khi kíp nổ cháy hết thì thuốc súng bên trong sẽ được kích nổ và tạo ra một nguồn nhiệt lượng nhất định
- Nguồn nhiệt lượng này sẽ làm nóng hỗn hợp chất tạo màu, và khiến chúng phát sáng. Nhiệt độ tác động càng cao, các phân tử trong hợp chất sẽ bắt lửa càng nhiều, và vì thế màu sắc của pháo sẽ càng sáng và rực rỡ hơn
Tuy nhiên có một vấn đề đã phát sinh, nhiệt độ cao sẽ rất dễ phá vỡ các phân tử và làm trôi màu của pháo. Và đây chính là nguyên nhân cho câu hỏi vì sao pháo hoa không có màu xanh dương.
4. Vì sao pháo hoa không có màu xanh dương?
Như chúng ta đã biết:
- Hợp chất tạo màu khác nhau sẽ tạo ra màu sắc khi nổ khác nhau
Màu đỏ được tạo nên từ hỗn hợp muối Strontium (muối Stronti), muối Sodium (muối Natri) tạo ra màu vàng, muối Aluminum (muối Nhôm) tạo ra màu xám, muối Barium (muối Bari) tạo ra màu xanh lá, và muối Copper (muối Đồng) là hợp chất theo lý thuyết sẽ tạo ra màu xanh dương
- Nhiệt độ cao rất dễ phá vỡ các phân tử và làm trôi màu
Một số phân tử sẽ cứng và ổn định hơn các phân từ khác, ví dụ như muối Strontium tạo nên màu đỏ có thể chịu được độ hơn 1.500 độ F (815 độ C). Tuy nhiên, muối Đồng thì lại khác, khi hợp chất này đủ nóng để phát ra màu xanh dương, khoảng ít nhất 1000 độ F (537 độ C), thì nó bắt đầu phân hủy, và màu xanh dương sẽ không thể tiếp tục duy trì.
Đến đây, Be The Betters tin chắc rằng bạn đã hiểu được vì sao pháo hoa không có màu xanh dương.
5. Có sự thay thế nào để có thể tạo ra pháo hoa màu xanh dương không?
Trong nhiều năm qua, các nhà khoa học cũng như những người thợ làm pháo hoa lành nghề đã dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu phương pháp mới, hoặc tìm kiếm một hợp chất thay thế cho muối Đồng. Rất khó để có thể giải quyết bài toán này, vì các nhà khoa học luôn mong muốn tìm được một chất có thể vừa rẻ và không độc hại.
Ví dụ, Asen đã từng được sử dụng trong một số công thức pháo hoa cũ trước đây, nhưng rõ ràng, hợp chất Asen là cực độc và chắc chắn sẽ không ai muốn mình hít phải nó khi cùng người thân và gia đình tận hưởng một buổi trình diễn pháo hoa lộng lẫy cả.
Có thể thấy được rằng, mặc dù màu xanh dương bị khuyết đi trên một bầu trời rực sắc màu, nhưng các nhà làm pháo hoa đến nay vẫn luôn cố gắng bù đắp lại cho khán giả bằng những màn trình diễn với những hình dạng, hoa văn mãn nhãn trên không trung, những bức tranh những câu chữ đầy ý nghĩa. Và chắc chắn rằng, một ngày nào đó, những bức không họa này sẽ được bổ sung thêm một màu sắc mỹ lệ, sắc xanh của hòa bình và hy vọng.
>> Bài viết tham khảo: Why you’re unlikely to see bright blue fireworks?
>> Mời bạn xem nhiều bài viết hơn tại phần Bài viết mới
>> Hoặc tham khảo nhiều chủ đề hơn tại Danh sách chủ đề