[su_quote]Đây là nơi giàu có nhất trên hành tinh của chúng ta, từ hàng tỷ năm tiến hóa của sự sống trước khi con người xuất hiện, là một trong những thư viện tuyệt vời nhất của tự nhiên trên Trái Đất này.[/su_quote]
Trong suốt nhiều năm qua, rừng Amazon luôn được ví là “lá phổi xanh của Trái Đất” vì quy mô rộng lớn cũng như vô vàn giá trị và khu rừng Nam Mỹ rộng lớn này đã mang đến cho nhân loại, đặc biệt là khả năng cung cấp 20% lượng khí Oxy cho khí quyển cũng như hạn chế nguy cơ hiệu ứng nhà kính. Tuy nhiên, việc được ví là “lá phổi xanh” đã mang đến nhiều ý kiến trái chiều về việc liệu Amazon có thực sự đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn Oxy dồi dào cho con người.
Vậy hôm nay, Be The Betters sẽ cũng các bạn tìm hiểu xem rừng Amazon thực sự đã mang đến cho con người lợi ích gì và Amazon có xứng đáng với danh hiệu “lá phổi xanh của Trái Đất” không nhé! Để hiểu rõ hơn về bài viết, chúng ta hãy cùng như đi qua hết từng phần để có thể làm rõ hơn về những giá trị thực sự của “lá phổi xanh” này.

1. Rừng Amazon có thực sự tạo ra 20% lượng khí Oxy toàn cầu?
Michael Coe, người chỉ đạo chương trình nghiên cứu Amazon tại Trung tâm Nghiên cứu Woods Hole ở Massachusetts, cho biết, “Trên thực tế, điều này thực sự không có ý nghĩa”, vì chỉ đơn giản là không có đủ lượng Carbon dioxide trong khí quyển để cây cối ở Amazon có thể quang hợp thành toàn bộ 1/5 lượng Oxy của hành tinh, và 20% là quá nhiều so với khả năng của sản xuất khí Oxy của cả khu rừng.
Yadvinder Malhi, một nhà sinh thái học tại Viện Thay đổi Môi trường của Đại học Oxford, dựa trên tính toán của ông trong một nghiên cứu năm 2010 ước tính rừng nhiệt đới chịu trách nhiệm cho khoảng 34% quá trình quang hợp diễn ra trên đất liền. Dựa trên quy mô của Amazon, “lá phổi xanh” sẽ chiếm khoảng một nửa trong số đó, tức là Amazon tạo ra khoảng 16% lượng Oxy được sản xuất trên đất liền.
Tuy nhiên vấn đề không chỉ dừng lại ở đó, cây xanh không chỉ thở ra Oxy mà chúng còn hấp thụ khí Oxy vào ban đêm để phục vụ cho quá trình gọi là hô hấp tế bào, nơi chúng chuyển hóa đường mà chúng tích lũy trong ngày thành năng lượng, và sử dụng oxy để cung cấp năng lượng cho quá trình này. Nhóm nghiên cứu của Malhi tính toán rằng, cây cối hít vào một nửa lượng oxy mà chúng tạo ra theo cách này.
Nhóm nghiên cứu của ông cũng cho rằng, hầu hết phần khí Oxy còn lại sẽ được vô số vi khuẩn sống ở Amazon sử dụng để phân hủy các chất hữu cơ chết của toàn bộ khu rừng. Như vậy, vì sự cân bằng giữa việc sản xuất và tiêu thụ lượng Oxy này nên có thể nói, hệ sinh thái hiện đại hầu như không ảnh hưởng đến mức oxy trong khí quyển.
Thay vào đó, Oxy mà chúng ta hít thở hiện nay là di sản của thực vật phù du trong đại dương có lượng Oxy tích lũy đều đặn hàng tỷ năm giúp cho bầu không khí dễ thở, Scott Denning, nhà khoa học khí quyển tại Đại học bang Colorado, giải thích.
Tuy nhiên, huyền thoại “20%” đã được lặp lại trong nhiều thập kỷ, mặc dù không rõ nguồn gốc của nó. Cả Malhi và Coe cho rằng nó bắt nguồn từ thực tế là Amazon đóng góp khoảng 20% lượng oxy được tạo ra bởi quá trình quang hợp trên đất liền – điều này có thể đã bị công chúng hiểu sai là “20% lượng oxy trong khí quyển”.
2. Rừng Amazon đóng góp những gì cho con người?
Vậy câu hỏi được đặt ra là, rừng Amazon có xứng đáng với danh hiệu “lá phổi xanh của Trái Đất”? Về mặt sinh học, đối với hầu hết các nhà nghiên cứu thì điều này là không chính xác, vì điều mà lá phổi thực sự làm là hít vào Oxy chứ không phải thở ra. Michael Coe không ví Amazon như một “lá phổi”, mà ông xem nó như một “một máy điều hòa không khí khổng lồ làm mát hành tinh”, vì một trong những điều Amazon thực sự làm được là giảm thiểu biến đổi khí hậu của Trái Đất.
Ở trạng thái nguyên sơ, rừng Amazon đóng góp đáng kể vào việc kéo khí CO2 ra khỏi khí quyển. Mặc dù không mang đến lượng khí Oxy như thực tế người ta vẫn thường nói, nhưng khu rừng này lại giúp Trái Đất hấp thụ một lượng khổng lồ khí CO2 từ hoạt động của con người cũng như CO2 có trong khí quyển.
Amazon cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc ổn định chu kỳ mưa ở Nam Mỹ, và là ngôi nhà quan trọng của người dân bản địa cũng như vô số loài động thực vật. Với số lượng lớn các loài thực vật và động vật sinh sống ở đây, rừng nhiệt đới Amazon có giá trị sinh học và sinh thái khôn lường.

Đây là quê hương của khoảng 2,5 triệu loài côn trùng, hàng chục nghìn loài thực vật, và khoảng 2.000 loài chim cùng thú. Tới nay, ít nhất khoảng 40.000 loài thực vật, 3.000 loài cá, 1.294 loài chim, 427 loài thú, 428 loài động vật lưỡng cư, và 378 loài bò sát đã được phân loại khoa học trong khu vực này. Khoảng 20% loài chim trên thế giới sống trong các khu rừng mưa của Amazon. Các nhà khoa học đã mô tả khoảng 96.660 – 128.843 loài động vật không xương sống chỉ có mặt tại mỗi Brazil.
Ông Malhi nói rằng: “Đây là nơi giàu có nhất trên hành tinh của chúng ta, từ hàng tỷ năm tiến hóa của sự sống trước khi con người xuất hiện, là một trong những thư viện tuyệt vời nhất của tự nhiên trên Trái Đất này.”
3. Chuyện gì xảy ra nếu rừng Amazon biến mất?
Và để hiểu hơn về tầm quan trọng của “lá phổi xanh” này, dưới đây là 11 điều sẽ xảy ra với hành tinh của chúng ta nếu rừng nhiệt đới Amazon bị thiêu rụi hoàn toàn được Bright Side tổng hợp lại, chúng ta hãy cùng xem qua:
- Gần một nửa số loài thực vật, động vật và vi sinh vật trên thế giới sẽ bị tiêu diệt.
- Sẽ có một sự mất mát lớn về khả năng y tế, vì 90% bệnh tật của con người có thể điều trị được bằng các loại thuốc có nguồn gốc từ thiên nhiên của Amazon.
- Thời tiết khô hạn sẽ kéo dài hơn và sẽ có nhiều trận lũ lụt lớn
- Lượng khí nhà kính sẽ được thải ra nhiều hơn từ 5 đến 6 lần, điều này sẽ đẩy nhanh quá trình nóng lên toàn cầu.
- Lượng mưa ít hơn và hạn hán gia tăng sẽ đe dọa nguồn cung cấp nông nghiệp, nước và lương thực.
- Chúng ta sẽ mất 80% các loại thực phẩm mà chúng ta có trên toàn thế giới.
- Chất lượng không khí sẽ giảm xuống và chúng ta sẽ bắt đầu hít nhiều CO2 hơn
- Lượng mưa giảm sẽ làm tăng thời tiết khô hạn và gây ra nhiều vụ cháy rừng hơn.
- Khoảng 30 triệu người trú ẩn trong rừng nhiệt đới sẽ bị mất nhà cửa.
- Chúng ta sẽ mất 20% lượng nước ngọt trên thế giới.
- Chúng ta sẽ mất 70% trong số 3.000 cây có tác dụng chống lại bệnh ung thư.

Lời kết
Qua những ảnh hưởng đã nêu trên, chúng ta có thể thấy, rừng Amazon đóng vai trò thực sự to lớn thế nào đối với Trái Đất nói chung và con người nói riêng. Mặc dù không thực sự là “lá phổi xanh của hành tinh”, nhưng trên thực tế, rừng Amazon vẫn làm rất tốt nhiệm vụ duy trì sự sống cho chính nó, và cho rất nhiều những sinh vật phụ thuộc vào tài nguyên mà nó mang lại, trong đó có cả con người.
Chính vì thế, việc chặt phá khai thác tiếp tục như hiện nay đã đưa rừng Amazon vào tình trạng thực sự đáng báo động. Đặc biệt hơn khi gần đây, việc đốt rừng Amazon đã khiến cho lượng CO2 thải vòng trong không khí đã vượt lên nhiều hơn lượng CO2 mà khu rừng này có thể hấp thu. Và chúng ta thực sự cần phải quan tâm đến khu rừng này nhiều hơn là việc đem so sánh lượng Oxy khu rừng này có thể cung cấp so với lượng Oxy do thực vật phù du ở đại dương mang lại.
>> Bài viết tham khảo: Why the Amazon doesn’t really produce 20% of the world’s oxygen?
>> Mời bạn xem nhiều bài viết hơn tại phần Bài viết mới
>> Hoặc tham khảo nhiều chủ đề hơn tại Danh sách chủ đề